Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỒNG CHÍ CHU VĂN TẤN VỚI DU KÍCH BĂC SƠN

 

 

Mỗi khi nhắc đến du kích Bắc Sơn, chúng ta thường nghĩ ngay đến những chiến sĩ gan dạ, quả cảm, những người chỉ huy tài năng như Lương Văn Tri, Chu  Văn Tấn, Phùng Chí Kiên, Hà Khai Lạc… Đồng chí Chu Văn Tấn là một trong những tên tuổi của đội thời kỳ đó. Kể từ khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí đã có một khoảng thời gian dài gắn bó với du kích Bắc Sơn. Tại đây, trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí đã tích cực tham gia duy trì, phát triển lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai,…góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạngViệt Nam.

 

Đồng chí Chu Văn Tấn (1909-1984), chỉ huy phó đội Cứu quốc quân I

 

Bắc Sơn xưa thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Với người dân vùng Bắc Sơn thì Võ Nhai và Bắc Sơn như một vùng đất liền khoảnh, ít có khái niệm về ranh giới, khoảng cách. Đồng chí Chu Văn Tấn sinh ra ở tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, (nay là xã Phú Thượng,huyện Võ Nhai), tỉnh Thái Nguyên. Ông từng làm nghề dạy học, là nhân viên địa chính, cai quản lính dõng cho Pháp nhưng lại sớm tham gia hoạt động Cách mạng tại vùng Bắc Sơn, Võ Nhai. Năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra và gặp nhiều khó khăn do thực dân Pháp và phát xít Nhật câu kết quay lại khủng bố phong trào, tháng 11/1940, Hội nghị TW Đảng lần  thứ 7 họp tại Đình Bảng (Từ Sơn) đã quyết định duy trì đội du kích  Bắc Sơn, dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, phát triển cơ sở cách mạng, thành lập căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn – Võ  Nhai làm trung tâm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trong hồi ký “Kỷ niệm Cứu Quốc quân”, đồng chí Chu Văn Tấn viết: “Được sự chăm sóc của Trung ương, sau khi được tăng cường một số cán bộ ở trường quân sự Bắc Giang lên, đội du kích Bắc Sơn được tập hợp lại. Ban chỉ huy khu du kích Bắc Sơn lúc này có anh Vân (một bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ), anh Giáo (một bí danh của đồng chí Lương Văn Tri, tức Huy) và tôi. Anh Vân phụ trách chung. Cơ quan Ban chỉ huy lúc đầu đóng ở Đon Uý (Vũ Lăng), sau rút dần về Vũ Lễ (Khuổi Nọi)”(1)..Có thể coi đây là một mốc thời gian quan trọng đánh dấu sự gắn bó sâu sắc của đồng chí Chu Văn Tấn với phong trào Cách mạng Bắc Sơn và với các chiến sỹ du kích nơi đây. Những năm này, đồng chí Chu Văn Tấn đã cùng Ban chỉ huy đội du kích vừa xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, vừa tích cực tổ chức các lớp huấn luyện chính  trị, quân sự để tăng cường sức mạnh và kỷ luật của đội du kích Bắc Sơn. Tháng 2/1941, đoàn cán bộ đi dự Hội nghị TW lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, đồng chí San (đại diện Trung Kỳ), đồng chí Thảo (đại diện Nam Kỳ) từ Hà Nội qua Thái Nguyên, đến Bắc Sơn. Ngày 14/2/1941, tại căn cứ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt TW Đảng công bố quyết định thành lập trung đội Cứu Quốc quân Bắc Sơn với quân số 32 người. Đồng chí Lương Văn Tri được cử làm chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn là chỉ huy phó. Ngay sau đó, đồng chí đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách một tổ bảo vệ, đưa đường cho đoàn trong chặng đường tiếp theo. Là người có chiến thuật du kích giỏi, lại thông thạo địa hình, địa vật ở vùng biên giới, đồng chí Chu Văn Tấn đã được lựa chọn để trao nhiệm vụ rất quan trọng này. Đồng chí đã cùng hai cán bộ địa phương và đồng chí Lâm đội viên đội Cứu Quốc quân đưa đoàn từ Bắc Sơn qua Bình Gia lên Thất Khê rồi sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Sau đó mới vòng về Pác Bó là địa điểm diễn ra hội nghị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Có thể nói đây là một trách nhiệm hết sức nặng nề, phải đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ cao cấp của TW Đảng đi về trong điều kiện vô cùng khó khăn “Vừa trèo đèo, lội suối, vừa phải vượt qua đồn bốt dày đặc của địch và hàng ngàn binh lính, mật thám được tung ra bủa vây”(2). Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ Cứu quốc quân, sự giúp đỡ, che chở của các cơ sở quần chúng ở vùng Long Châu mà đoàn đã vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy, đi và trở về an toàn, tốt đẹp. Trong thời gian này, đồng chí Chu Văn Tấn đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu làm quen với những cơ sở quần chúng tin cậy của Cách  mạng Việt Nam ở Long Châu do đồng chí dày công gây dựng từ nhiều năm trước đó.

 

Xuân Tú (Long Châu), nơi các chiến sĩ Cứu Quốc quân đã đến nghỉ ngơi, chỉnh đốn đội ngũ sau khi tạm rút khỏi Bắc Sơn năm 1941

 

Kể từ sau chuyến công tác của đoàn cán bộ TW, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, càn quét khu căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai để lùng bắt các chiến sĩ du kích và dập tắt phong trào Cách mạng ở đây. Thực hiện chủ trương của Ban chỉ huy, tháng 9/1941 các chiến sĩ Cứu quốc quân I lần lượt rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) để bảo toàn lực lượng. Lúc này đồng chí Chu Văn Tấn đang là chỉ huy trưởng đội Cứu Quốc quân II ở Tràng Xá (Võ Nhai,Thái Nguyên). Thực hiện chiến thuật “hoá chỉnh vi linh”(3), tháng 3/1942, đồng chí đã vượt qua vòng vây, đưa 49 chiến sĩ Cứu quốc quân(4) tạm lánh sang Long Châu (Trung Quốc) để tránh sự kiểm soát của thực dân Pháp. Sự kiện này đã được nhắc đến trong tài liệu lưu trữ của bảo tàng Long Châu như sau:“Sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn bị đàn áp, đồng chí Chu Văn Tấn đã dẫn 49 chiến sỹ Cứu Quốc quân tới khu vực xã Xuân Tú, huyện Long Châu để nghỉ ngơi và chỉnh đốn lực lượng...”. Trong đoàn quân này có các chiến sĩ du kích Bắc Sơn như Nông Thái Long, Nguyễn Cao Đàm…

Nhà ông Hoàng Bính Chi ở Bản Cát (Hạ Đống, Long Châu), nơi đồng chí Hà Khai Lạc đã ở và hoạt động Cách mạng thời kỳ sau khởi nghĩa Bắc Sơn (1941-1942).

 

Những ngày tháng ở Long Châu, đồng chí Chu Văn Tấn đã thể hiện rất rõ năng lực và vai trò của người chỉ huy du kích. Hồi ký “Kỷ  niệm Cứu quốc quân” đồng chí Chu Văn Tấn viết năm 1969 và “Những ngày  đầu” của Lê Dục Tôn cùng các tư liệu khác ở Bảo tàng Long Châu cho thấy, đồng chí đã đưa các chiến sỹ Cứu quốc quân phân tán về các làng bản ở vùng Hạ Đống như Nà Thành, Bản Cát, Bản Nọc, Hà Độ, Hữu Trang…. Dựa vào các cơ sở quần chúng tin cậy do đồng chí Hoàng Văn Thụ gây dựng thời kỳ trước đó, đồng chí đã đưa từng nhóm chiến sỹ Cứu Quốc quân về các cơ sở Cách mạng ở đây như gia đình ông Hoàng Bính Chi, Nông Bản Doanh, Lê Vĩnh Cơ (Bản Cát), gia đình ông Nông Kỳ Chấn (Nà Tạo), Phan Toàn Trân (Nà Thành)... Dưới sự tổ chức của đồng chí, các chiến sỹ du kích đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với đồng bào nơi đây như những người thân trong gia đình. Để thuận lợi cho việc cư trú, đi lại của các chiến sĩ du kích, đồng chí Chu Văn Tấn đã tìm cách móc nối và nhờ sự giúp đỡ của những người Cách mạng Việt Nam hoạt động lâu năm trên đất Long Châu và các đồng chí mới sang trước đó như Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành, Hà Khai Lạc... Đồng chí cũng tranh thủ sự giúp đỡ của những người Trung Quốc khác có cảm tình sâu nặng với Cách mạng Việt Nam như Lâm Phú Thình, Âu Đường Tất, Nông Nhì Cố, Dùng Pin Sìn… Đó cũng chính là những người đồng chí Chu Văn Tấn đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu khi đưa đoàn cán bộ đi dự Hội nghị TW lần thứ 8 ở Cao Bằng năm trước.  Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, đồng chí đã cùng với các thành viên trong Ban lãnh đạo thực hiện công tác chỉnh đốn đội ngũ. Tại Lũng Ỷ (Xuân Sơn, Hạ Đống), đồng chí Chu Văn Tấn và ban lãnh đạo đã thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chính trị, huấn luyện quân sự  cho các chiến sĩ Cứu Quốc quân để giữ vững đội ngũ, duy trì nghiêm kỷ luật và nâng cao sức chiến đấu cho toàn đội.

Ấm sắc thuốc và hộp đựng cơm đồng chí Hà Khai Lạc đã sử dụng

 trong thời kỳ hoạt động ở Long Châu.

Song song với các công tác nội bộ, đồng chí đã nhanh chóng triển khai các hoạt động Cách mạng trên vùng đất Long Châu. Đồng chí Chu Văn Tấn đã cùng đồng chí Hà Khai Lạc đến Bằng Tường, Lũng Nghịu, Bản Quyến, Kéo Ái gặp gỡ với các cơ sở Cách mạng và một số đồng chí Việt Nam đang hoạt động ở đây như Mã Khánh Phương, Bế Chấn Hưng, Voòng Tài…. để xây dựng mối liên kết, đưa phong trào tiếp tục đi lên. Cùng với đó là việc tìm kiếm, mua sắm vũ khí; móc nối, giữ vững liên lạc với các cơ sở Cách mạng ở trong nước và tích cực chuẩn bị các điều kiện để trở về nước tiếp tục hoạt động. Đồng chí đã cùng đồng chí Hà Khai Lạc thường xuyên qua lại các vùng Nà Pùng, Tẩu Ái (Trung Quốc), Na Hình, Phiêng Phần, Nà Ngoà, Bàn Tài (Việt Nam) để tuyên truyền, huấn luyện, giác ngộ quần chúng, đồng thời tìm về Pác Bó liên lạc với TW để  báo cáo tình hình và xin chỉ thị của cấp trên. Bên cạnh đó còn cử các đồng chí Cứu quốc quân về Thất Khê, Na Hình, Hội Hoan, Đông Khê để phát triển phong trào, cùng các đồng chí ở địa phương chuẩn bị cơ sở. Trong thời gian này, Cứu quốc quân không chỉ được các cơ sở quần chúng ở Long Châu giúp đỡ về nơi ăn chốn ở, một số người như Phan Toàn Trân, Lê Vĩnh Cơ còn đảm trách việc giao liên, vận chuyển công văn giấy  tờ, mang truyền đơn vào các vùng biên giới của Việt Nam. 

Trước sự việc các đồng chí Cứu quốc quân đi lại bị bắt bớ, giam cầm, đồng chí đã cùng với Bùi Ngọc Thành tranh thủ mối quan hệ quen biết và sự đồng tình của chính quyền sở tại xúc tiến vận động thành lập một tổ chức đại diện cho Cách mạng Việt Nam tại Long Châu. Đầu tháng 9/1942, lễ ra mắt cơ quan Biện sự sứ đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của một số nhà hoạt động Cách mạng, Cứu quốc quân Việt Nam như Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành, Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Chu Quốc Hưng và đại diện đông đảo chính quyền, đoàn thể ở Long Châu. Đồng chí Chu Văn Tấn cử Chu Quốc Hưng (thành viên Ban chỉ huy Cứu quốc quân II) tham gia phụ trách văn phòng cùng các đồng chí Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành. Từ đó, các chiến sĩ Cứu Quốc quân đã được văn phòng Biện sự xứ bảo lãnh,cấp giấy thông hành để đi lại hợp pháp từ Long Châu qua Bằng Tường, Tĩnh Tây hoạt động Cách mạng.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh và cán bộ bảo tàng Long Châu chụp ảnh lưu niệm khi đi nghiên cứu khảo sát tại di tích nhà bà Hoàng Nguyệt Sơ (Bản Cát) - nơi đồng chí Hà Khai Lạc đã ở thời kỳ hoạt động tại Long Châu (Trung Quốc) năm 1942-1943

 

Từ cuối năm 1942 đến tháng 3/1943, sau khi đã thông đường, nắm được tình hình trong nước có nhiều thuận lợi cho việc trở về tiếp tục hoạt động, các đơn vị Cứu quốc quân lần lượt rút về nước. Hơn một năm kể từ khi rời chiến khu Bắc Sơn - Võ Nhai, chiến thuật “hoá chỉnh vi linh” đã được Cứu quốc quân vận dụng một cách thuần thục và hết sức linh hoạt. Dưới sự dẫn dắt, chỉ huy của đồng chí Chu Văn Tấn, các đội viên Cứu quốc quân ngày càng dày dạn kinh nghiệm và không ngừng trưởng thành. Trở về căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, các chiến sĩ du kích Bắc Sơn tiếp tục hoà mình vào phong trào Cách mạng chung của địa phương và đất nước, tích cực mở rộng căn cứ, xây dựng mặt trận Việt Minh, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Quá trình hoạt động, gắn bó với du kích Bắc Sơn và các chiến sĩ Cứu Quốc quân đã trở thành những kỷ niệm sâu sắc, không thể phai mờ ký ức của đồng chí Chu Văn Tấn. Chúng ta không chỉ gặp những năm tháng đó qua những tác phẩm văn học được nhiều người biết đến như Kỷ niệm Cứu Quốc quân (Chu Văn Tấn), Những ngày đầu (Lê Dục Tôn)…mà còn qua rất nhiều tư liệu, tài liệu hiện vật đang trưng bày tại nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,76 phố Nam, thị trấn Long Châu), các sách báo xuất bản ở Trung Quốc… Những tư liệu quý đó giúp mỗi chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn oai hùng đã đi vào lịch sử dân tộc, quá trình hoạt động gian khổ cùng những cống hiến lớn lao của những người du kích đối với sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng. Với du kích Bắc Sơn, đồng chí Chu Văn Tấn luôn dành cho họ tình cảm bạn bè thân thiết, thắm tình đồng đội.

  • Chú thích:
  1. (2). Kỷ niệm Cứu quốc quân. Chu Văn Tấn. NXB Quân đội nhân dân.1971.

(3) “Hoá chỉnh vi linh”: chỉ một loại chiến thuật tác chiến cổ, khi tập trung, lúc phân tán lực lượng, thay đổi phương pháp tác chiến cho thích hợp. 

(4) Đội quân này chủ yếu là các chiến sĩ Cứu quốc quân II và một số đồng chí Cứu quốc quân I. Khi phong trào ở Bắc Sơn tạm thời lắng xuống do địch khủng bố, Cứu quốc quân I rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi, các đồng chí này đã về Thái Nguyên thamgia Cứu quốc quân II và đã cùng đồng chí Chu Văn Tấn sang Trung Quốc.

BÀI VÀ ẢNH: CHU QUẾ NGÂN


Nguồn:sovhtt.langson.gov.vn Sao chép liên kết