Lễ đón nhận Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn
Chiều ngày 28/6/2025, tại Thành phố Lạng Sơn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Tham dự buổi Lễ đón nhận Danh hiệu có Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất; Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; Cục Ngoại vụ và Ngoại giao Văn hoá – Bộ Ngoại giao; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản và một số đơn vị trực thuộc: Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Trung tâm Ứng dụng Địa chất, Di sản và Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn và một số chuyên gia lĩnh vực địa chất, di sản, văn hoá, du lịch, khảo cổ học; Đại biểu đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông; Đại diện Ban Quản lý Công viên địa chất: Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông, Phú Yên; Đại biểu một số Doanh nghiệp du lịch, lữ hành, CLB Hang động.
Điểm Thế giới đầm hồ Na Dương
Với những giá trị đặc biệt mang tầm quốc tế về địa chất, văn hoá, cảnh quan, cùng với sự quyết tâm cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân địa phương và sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn từ các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia trong, ngoài nước, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 9 năm 2024 và được UNESCO chính thức công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 4/2025 vừa qua, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ Tư tại Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng và Công viên Địa chất Đắk Nông. Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Lạng Sơn chính thức gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm 229 điểm đến thuộc 50 quốc gia trên thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào về lòng quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong hành trình vươn đến một danh hiệu quốc tế.
Trải dài trên diện tích rộng lớn 4.842,58 km2, dân số khoảng 627.500 người (tương đương chiếm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là viên ngọc trong vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đó là một minh chứng sống động, gói gọn trong những cảnh quan đa dạng của nó hành trình trải qua 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa đến rừng gỗ nghiến, mỗi mặt của Công viên địa chất đều kể một câu chuyện độc đáo. Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sở hữu những giá trị di sản địa chất độc đáo mang tầm quốc tế, có hệ thống hang động kỳ vĩ, hố sụt độc đáo. Những địa điểm như Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm và Hố sụt Ùng Roặc là những minh chứng rõ ràng cho giá trị này, không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn thu hút mạnh mẽ du khách, đặc biệt là những người có niềm đam mê khám phá và trải nghiệm mạo hiểm. Bên cạnh đó, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn còn là nơi có đa dạng sinh học phong phú, với hệ sinh thái đa dạng và nhiều loài động thực vật quý hiếm, như Khu Dự trữ thiên nhiên Hữu Liên. Sự đa dạng sinh học này mở ra tiềm năng lớn cho các loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá thiên nhiên.
Hố sụt Thẩm Lũm
Không chỉ vậy, Lạng Sơn còn là vùng đất giàu có về văn hóa và lịch sử, với nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa giá trị địa chất, sinh học và văn hóa, là một tấm thảm rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những đóng góp về phong tục và truyền thống độc đáo của mỗi nhóm dân tộc. Đời sống tâm linh của Công viên địa chất bắt nguồn sâu xa từ Đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận. Đáng chú ý, Then - một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng của người dân Lạng Sơn, cũng như ở các tỉnh Đông Bắc Việt Nam và một số địa phương khác, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ, cũng đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt
Để bảo tồn và phát huy những giá trị đã UNESCO vinh danh, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn với hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, khai thác hợp lý các giá trị địa chất, cảnh quan, văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn - Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng” và Tour du lịch “Cuộc viễn du kỳ vĩ" thám hiểm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn, đưa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn trở thành động lực quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch - dịch vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khẳng định vai trò, vị thế của Công viên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nguyễn Tiến Dũng – Phòng QLTTBCXB