Xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn ấn tượng
Nổi tiếng là vùng đất “trấn doanh bát cảnh”, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Lạng Sơn phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan. Theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn toàn tỉnh có 335 di tích, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt; 27 điểm, khu di tích cấp Quốc gia; 98 điểm, khu di tích cấp tỉnh; 209 điểm, khu di tích được kiểm kê, phân loại, chưa được xếp hạng. Theo loại hình, gồm 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, 23 di tích danh lam thắng cảnh. Một số di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có giá trị phục vụ phát triển du lịch của Lạng Sơn, bao gồm: Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Thành Nhà Mạc; Di tích thành cổ Đoàn Thành Lạng Sơn; Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn; Khu di tích núi Phai Vệ; Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ; Chùa Tam Thanh; Chùa Tiên; Đền Bắc Lệ; Đền Kỳ Cùng; Chùa Thành; Đền Tả Phủ; Đền Cửa Tây; Đền Cửa Đông; Cửa Nam, Đền Mẫu Đồng Đăng; Thủy Môn Đình; Phố chợ Kỳ Lừa…
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện mạo thành phố Lạng Sơn, các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch và các thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Do những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch - dịch vụ, và kinh tế cửa khẩu. Đây là hướng quan trọng, mũi nhọn để tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy là tỉnh miền núi, nhưng Lạng Sơn chỉ cách thủ đô Hà Nội 154 km, lại nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông Lạng Sơn rất thuận lợi, là đầu mối tuyến quốc lộ 1A, nơi bắt nguồn của con đường 4B ra Trà Cổ, vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, đường 4A lên Pắc Bó - Cao Bằng, đường 1B sang Thái Nguyên, đường 3B sang Na Rì - Bắc Kạn đồng thời có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc vươn tới các nước Đông Âu. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Ga đường sắt Đồng Đăng, Của khẩu Hữu Nghị), 1 cửa khẩu chính (cửa khẩu Chi Ma), và 9 cửa khẩu phụ rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hoá và phát triển dịch vụ. Lạng Sơn trở thành đầu mối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Để đảm bảo Du lịch Lạng sơn có những bước phát triển ấn tượng trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Lạng Sơn như sau:
- Đầu tư bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích, di sản văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển du lịch; đề xuất cơ chế chính sách mang tính đặc thù, có tính khả thi cao, nhất là tại khu du lịch trọng điểm Mẫu Sơn.
- Tăng cường xúc tiến quảng bá, liên kết vùng để phát triển du lịch, tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng nâng cao. Từng bước chuyên nghiệp hóa, đổi mới cách thức, nội dung và ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Tập trung nghiên cứu, lựa chọn và hỗ trợ một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường; Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP gắn với phát triển thương hiệu du lịch; Phổ biến và tuyên truyền về thương hiệu du lịch Lạng Sơn; hướng dẫn kỹ năng và xây dựng ý thức tham gia phát triển thương hiệu du lịch cho các bên liên quan, cộng đồng dân cư. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển du lịch và phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương; Tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Lạng Sơn ở trong và ngoài nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động phát triển thương hiệu du lịch.
- Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó tập trung định hướng, quy hoạch phát triển du lịch gắn du lịch sinh thái với du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp để tạo nên sản phẩm khác biệt; tăng cường vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch trong quá trình triển khai các chương trình chung về phát triển du lịch bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Mỗi cộng đồng ở Lạng Sơn có một đặc thù khác nhau, đây chính là lợi thế lớn cho việc phát triển từng sản phẩm riêng cũng như tạo thành một hệ thống hay một chuỗi trải nghiệm cho du khách với phong cách cộng đồng mới lạ. Tại Bắc Sơn, du khách có thể kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp, trekking, thư giãn với không gian sinh thái nhà sàn - thung lũng hoa…, ở Đình Lập là cộng đồng khu vực sông Kỳ Cùng - cho trải nghiệm khác biệt về hệ sinh thái sông ngòi; Ở Hữu Lũng là kiểu du lịch cộng đồng sinh thái của rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên; ở khu vực núi Mẫu Sơn là trải nghiệm của du lịch trekking, khám phá, mạo hiểm thích hợp với du khách ưa thích tự do….
- Triển khai đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực phát triển thương hiệu du lịch, xây dựng các tài liệu hướng dẫn phát triển thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chương trình về nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và xúc tiến thương hiệu du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu nội ngành dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá trong cơ cấu kinh tế chung, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Trên cơ sở thế mạnh về tài nguyên du lịch thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa đa dạng phong phú, Lạng Sơn sẽ tạo ra sự khác biệt từ các sản phẩm du lịch như du lịch tham quan - nghỉ dưỡng - sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch biên giới, du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã…
Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn