Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức kiểm tra hoạt động triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định

Triển khai thực hiện kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26/12/2023 của Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch về kiểm tra công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Ngày 17/5/2024, tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 đối với Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của 02 huyện.

 

(Ảnh: Đồng chí Nguyễn Đặng Ân – Giám đốc Sở VHTT&DL, Phó Trưởng ban  Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh phát biểu tại huyện Chi Lăng)

          Công tác kiểm tra nhằm đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; đánh giá thực trạng phát triển du lịch từ khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 được ban hành; sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại các huyện, thành phố; những vấn đề phát sinh, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; kiến nghị và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển du lịch trong thời gian tới. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 du lịch trở thành nghành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Lạng Sơn.

          Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch huyện Chi Lăng (Ban Chỉ đạo huyện) đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Trong giai đoạn 03 năm (2021 - 2023) từ khi ban hành Đề án Phát triển Du lịch tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện đã có sự quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực triển khai các nội dung tại Đề án nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Huyện đã chủ động ban hành các chủ trương, kế hoạch, đề án phát triển du lịch được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phát huy tiềm năng thế mạnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch như: Di tích lịch sử Chi Lăng, Đền Chầu Năm suối Lân, Đền Chầu Mười, Hang Gió, Hang Nàng Tiên, Hang Lạng Nắc, Thảo nguyên Khau Slao,... nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của huyện. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò vị trí ngành du lịch; xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch huyện; Nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch của huyện như du lịch gắn với gắn với nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm OCOP tiêu biểu; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch… được quan tâm triển khai thực hiện và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Chi Lăng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung.

          Tuy nhiên, công tác triển khai Đề án của Ban Chỉ đạo huyện còn một số hạn chế như: Công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá du lịch đã được thực hiện nhưng chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ, hình ảnh du lịch Chi Lăng chưa thể hiện rõ nét trên các ấn phẩm quảng bá, các phương tiện truyền thông,  mạng xã hội...; Sản phẩm du lịch của huyện còn đơn điệu, chưa phát huy được giá trị tiềm năng, ưu thế của huyện, đặc biệt phát huy giá trị của Di tích lịch quốc gia đặc biệt, tiềm năng du lịch gắn với các trang trại, vườn cây ăn quả, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch gắn với các di sản văn hóa cộng đồng, di sản thiên nhiên của huyện; Hạ tầng thiết yếu phụ vụ hoạt động du lịch chưa đảm bảo, công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch hạn chế; Chưa quan tâm đến công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương; công  tác nâng cao nhận thức, ứng xử văn minh trong du lịch cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch chưa được quan tâm; việc triển khai phát động Chương trình “Đại  sứ du lịch  Lạng Sơn” chưa rõ nét; nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. nguồn lao động phục vụ trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chủ yếu chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nhân viên các nhà hàng, khách sạn, đội ngũ hướng dẫn thuyết minh tại các điểm di tích...

          Tại huyện Tràng Định, Ban Chỉ đạo huyện đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch, cụ thể: Ban Chỉ đạo huyện đã sớm chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực triển khai, cụ thể hóa Đề án phát triển du lịch của tỉnh, đã ban hành Đề án phát triển du lịch của huyện Tràng Định từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã có định hướng, giải pháp trong việc khai thác, phát triển một số sản phẩm du lịch tiềm năng, có sức thu hút như: du lịch sinh thái Bản Bó (xã Tri Phương); Du lịch sinh thái Hồ Thuỷ điện Bắc Khê I (xã Kim Đồng); Du lịch cộng đồng dân tộc Dao thôn Lũng Slàng (xã Tri Phương); du lịch tâm linh Cổng trời Thôn Lũng Phầy (xã Chí Minh); Quảng bá, phục vụ nhu cầu khách du lịch đối với một số sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực đặc trưng của huyện Tràng Định: Vịt quay lá mắc mật, thạch đen, khau nhục, bánh khảo,Khẩu Sli,… Công tác xây dựng, phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch bước đầu được quan tâm.

          Tuy nhiên, công tác triển khai Đề án của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Tràng Định còn hạn chế ở một số điểm như: Một số nội dung, mục tiêu đặt ra tại Đề án PTDL của tỉnh có liên quan đến huyện Tràng Định chưa được Ban Chỉ đạo PTDL huyện triển khai một cách hiệu quả, một số nội dung chưa có lộ trình triển khai cụ thể. Đồng thời, Ban Chỉ đạo PTDL huyện cũng chưa thực sự tích cực trong chỉ đạo triển khai xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng để phát huy thế mạnh sẵn có của huyện. Một số ví dụ n: (1) Trong mục tiêu đến năm 2025 tại Đề án PTDL của tỉnh đã đề cập đến huyện Tràng Định là phấn đấu có 01 điểm du lịch hồ Bắc Khê; (2) Trong nội dung về Các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù của Lạng Sơn có ý nghĩa quốc gia có liệt kê sản phẩm Du lịch nghỉ dưỡng “hồ Bắc Khê” trong nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cần phát triển; (3) Trong nội dung về các sản phẩm du lịch đặc thù của Lạng Sơn có ý nghĩa địa phương có liệt kê sản phẩm Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng homestay tại Lũng SLàng - Tràng Định,...(4) Trong nhóm các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần có đề cập đến hồ thủy điện Bắc Khê.

Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn hạn chế; Công tác nâng cao nhận thức, ứng xử văn minh trong du lịch cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân tại các điểm dự kiến xây dựng điểm du lịch còn hạn chế; Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, đội ngũ nhân lực du lịch trực tiếp tại các cơ sở lưu trú, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế; Công tác liên kết phát triển du lịch với doanh nghiệp, nhà đầu tư, công ty lữ hành chưa thực hiện tốt, chưa tạo thành sản phẩm liên kết vùng với các huyện trong tỉnh, và với tỉnh tiếp giáp (tỉnh Cao Bằng).

(Ảnh: Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh kiểm tra tại huyện Tràng Định)

Trên cơ sở những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân cũng như phương hướng thực hiện trong thời gian tới của huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định, đồng chí Nguyễn Đặng Ân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra đã kết luận một số nội dung như sau: trong thời gian tới Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các huyện tiếp tục thực hiện, đảm bảo triển khai có hiệu quả theo mục tiêu của đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đề ra; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị bản địa, cộng đồng; đẩy mạnh liên kết vùng; tăng cường các hoạt động về bảo vệ môi trường; quan tâm đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực du lịch; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua báo chí, truyền hình, các trang mạng xã hội,...; Đẩy mạnh triển khai chương trình “ Đại sứ du lịch Lạng Sơn”; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quy hoạch, thu hút đầu tư đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Trong đó bao gồm một số nội dung cụ thể đối với từng huyện, như: huyện Chi Lăng tập trung nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch, phấn đấu năm 2024 có 01 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận (Đền Chầu Năm Suối Lân); huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng 9 điểm vùng công viên địa chất; huyện Tràng Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất ký thuật du lịch có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện đường điện tại khu vực Hang Cốc Mười, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu xây dựng điểm du lịch mới trên địa bàn huyện./.

Phí Thị Lan Thu – Chuyên viên phòng QLDL